Hướng tới kỷ niệm 16 năm thành lập, thay vì sử dụng những sản phẩm quà tặng thông thường để tri ân đối tác, khách hàng và CBNV. Tập đoàn Hải Phát lựa chọn sản phẩm thủ công của người khuyết tật làm quà tặng với thông điệp “Hãy cùng chúng tôi thay đổi nhận thức về người khuyết tật, tạo cho người khuyết tật cơ hội chứng minh giá trị của họ.”
Trong cái tất bật của những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất đồ thủ công Kym Việt – một cái tên khá quen thuộc trong cộng đồng người khuyết tật, bởi nhiều năm qua, đây là nơi tiếp nhận và tạo việc làm cho những người bị điếc bẩm sinh.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ nơi công nhân đang miệt mài làm việc với âm thanh duy nhất là tiếng máy khâu chạy đều đều, anh Phạm Việt Hoài – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đồng sáng lập Công ty Cổ phần Kym Việt chốc lát lại dừng cuộc trò chuyện với chúng tôi lại, lăn chiếc xe của mình đến các nhóm công nhân đang làm việc và trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu của những người câm điếc.
Anh Hoài cho biết, hiện Kym Việt có 21 công nhân, trong đó phần lớn công nhân bị câm điếc bẩm sinh, một số ít bị khuyết tật vận động và thiểu năng trí tuệ.
Với mong muốn tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật, năm 2013 anh Phạm Việt Hoài cùng cùng với 2 người bạn khuyết tật vận động đồng sáng lập công ty sản xuất các con thú nhồi bông chất lượng cao, tạo công ăn việc làm ổn định cho người khuyết tật, giúp họ tạo ra được giá trị cho cộng đồng và xã hội.
“Qua những sản phẩm quà tặng như gối cổ, đàn gà, mà Tập đoàn Hải Phát đã đặt Kym Việt sản xuất, chúng tôi mong muốn Tập đoàn Hải Phát cũng như những doanh nghiệp lớn khác cùng chung tay với chúng tôi để thay đổi suy nghĩ của cộng đồng về người khuyết tật. Vì người khuyết tật vẫn còn khả năng có thể cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội nhiều giá trị khác, làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn và giúp những người khuyết tật có cuộc sống đầy đủ hơn, no ấm hơn và bền vững hơn.” – anh Hoài chia sẻ.
Câu chuyện về Kym Việt là hành trình dài của những người sáng lập, họ là những người khuyết tật và hơn ai hết họ thấu hiểu, đồng cảm với khao khát được làm việc, được cống hiến của những người đồng cảnh ngộ.
Cho đi tức là đã nhận về, chia sẻ yêu thương cũng tức là đã nhận được yêu thương. Kym Việt đã thực sự trở thành mái nhà chung ấm áp của những người khuyết tật. Bởi hiếm ai biết, đằng sau những sản phẩm đó là câu chuyện về những bàn tay biết nói và trái tim ấm nóng của những người thợ đặc biệt.