Hải Phát Invest: Trải nghiệm hành trình xuôi sông Hồng cùng “nửa Thế giới”

Chia sẻ
Thưởng thức món quà quê, thăm quan các ngôi đền cổ dọc ven sông Hồng và ngắm hoàng hôn ở làng quê Bắc Bộ là những trải nghiệm thú vị mà Hải Phát Invest dành tặng cho nữ CBVN nhân dịp kỷ niệm 109 năm ngày Quốc tế Phụ nữ. Tháng 3 về trong tiết trời se se lạnh, lất phất mưa bụi mùa Xuân, trên con đường mòn ven đê dẫn ra sông Hồng chị em CBNV Hải Phát Invest nô nức như đi trẩy hội. Bỏ lại Hà Nội với những đông đúc, ồn ào cùng mùa hoa Sưa nở trắng, chị em xúng xính bước lên thuyền xuôi theo dòng sông đỏ rực và thả hồn mình vào quang cảnh làng quê Bắc Bộ ẩn núp sau những khóm lau già ven sông. Chưa đầy một giờ di chuyển trên sông, điểm đến đầu tiên mà đoàn cập bến là chiêm bái cảnh quan của đền Dầm. Đền Dầm là ngôi đền nằm trên địa phận thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đền Dầm thuộc cụm di tích có ba ngôi đền nằm kề nhau là: Đền Đại Lộ, Đền Sở và Đền Dầm. Đền Dầm thờ Mẫu Đệ Tam Thoải Cung, một trong Tam Tòa Thánh Mẫu theo tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Nhìn từ xa, đền Dầm hiện ra uy nghi sau hàng cổ thụ trăm tuổi, với kiến trúc cổ, cột gỗ mái ngói xưa cũ màu thời gian. Đền Dầm gắn liền với truyền thuyết Hoàng Long công chúa bị đày xuống trần gian vì làm vỡ chén ngọc của Vua cha Ngọc Hoàng và được chàng Liễu Nghị giải oan. Để trả ơn, nàng đã hiện lên báo mộng giúp Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đánh thắng giặc ngoại xâm và được vua Trần Nhân Tông phong thần, có chiếu chỉ cho nhân dân đời đời thờ phụng. Không chỉ ấn tượng với nét kiến trúc cổ xưa và hiểu về sự tích của đền thờ Mẫu Thoải, mà đoàn còn được thưởng thức những đặc sản của địa phương như bánh gật gù. Sau khi vãn cảnh cụm di tích đền Dầm, đoàn quay trở lại thuyền và tiếp tục xuôi theo dòng sông Hồng về thăm đền Thánh Chử Đồng Tử. Cách thành phố Hà Nội khoảng 28km về hướng Nam, đền Thánh Chử Đồng Tử bao gồm 2 đền: đền Đa Hòa thuộc thôn Đa Hòa, xã Bình Minh và đền Dạ Trạch thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cả hai ngôi đền này đều thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân. Hai ngôi đền này đều xây dựng theo kiến trúc cổ nhưng lại có sự khác biệt tương đối rõ rệt. Ngôi đền nằm trên khu đất cao, rộng và bằng phẳng hình chữ nhật có diện tích 18.720m2. Nơi đây có cảnh quan đẹp, mặt quay hướng chính Tây nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên. Tổng thể kiến trúc có 18 ngôi nhà mái ngói cổ tựa như 18 con thuyền mũi cong tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Ngọ môn của đền gồm 3 cửa: cửa Chính là tòa nhà 3 gian cao rộng, trên đỉnh nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, chỉ mở cửa vào đại lễ. Đây là ngôi đền được cho là nơi còn tồn tại nhiều di vật quý hiếm, trong đó có đôi lọ Bách thọ (một trăm chữ Thọ không chữ nào giống chữ nào, khắc trên thành lọ bằng gốm), nó được coi là một cổ vật vô giá của dân tộc. Ngoài ra đền còn giữ được chiếc Lư bằng đồng nguyên khối do Vua Bảo Đại – vị Vua cuối cùng của nước Việt để lại. Thăm đền Thánh Chử Đồng Tử, đoàn còn được nghe kể về vị phu nhân thứ hai của ngài, ngoài vợ cả là Công chúa Tiên Dung. Về thăm mảnh đất Hưng Yên vào đúng độ nhãn đươm hoa, óng bướm dập dờn, đường vào đền nức thơm mùi ngọt của mật ong và long nhãn từ những sạp hàng của người dân. Sau khi thưởng thức những đặc sản của vùng Khoái Châu, đoàn tận hưởng bữa trưa ngay tại thuyền và ngược dòng sông Hồng trở về thăm làng gốm Bát Tràng. Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 15 km, làng gốm Bát Tràng nằm ở ven sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội. Bát Tràng có nghĩa là “cái sân lớn”, và làng có lịch sử hình thành từ thời Lê. Đây là làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất Việt Nam và là điểm đếm không thể bỏ lỡ của hành trình này. Cập bến tại đầu làng gốm, đoàn chia thành hai nhóm để đến với khu chợ gốm Bát Tràng. Một nhóm sử dụng xe điện để di chuyển và một nhóm chọn cách len lỏi vào đường làng, vừa để quan sát cuộc sống của người dân làng nghề, vừa để khám phá những nét kiến trúc cổ xưa. Tại chợ gốm, đoàn chia nhau thành nhiều nhóm nhỏ  để cũng tham quan, mua sắm. Các gian hàng ở chợ gốm bày bán rất nhiều sảm phẩm gốm sứ như: đồ lưu niệm, bát đĩa, cốc chén, đồ trang trí mỹ nghệ, đồ thờ cúng, v.v. Tất cả sản phẩm ở đây đều được tạo ra từ bàn tay những nghệ nhân nổi tiếng. Hoặc có thể trải nghiệm cảm giác tự tay nhào nặn món đồ yêu thích của mình và đem đi nung đốt. Làng gốm Bát Tràng cũng là điểm tham quan cuối cùng trong hành trình trải nghiệm sông Hồng của đoàn nữ CBNV Hải Phát Invest. Chuyến đi không chỉ mang lại nhiều trải nghiệm tuyệt vời mà còn giúp mỗi người hiểu thêm về nét văn hóa tâm linh người Việt và đời sống của người dân ven sông Hồng./.  

Tin liên quan

Xem thêm HẢI PHÁT INVEST CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM CÁN BỘ QUẢN LÝ CẤP CAO

Sáng ngày 30/7/2024, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát đã tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Công ty đối với Ông Nguyễn Việt Đức; đến dự có Ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty, Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty; các thành viên HĐQT, các thành viên Ban Tổng Giám đốc; Giám đốc, Phó Giám đốc các Ban chuyên môn của Công ty và đại diện Lãnh đạo các đơn vị thành viên trong hệ thống Hải Phát.

Xem thêm TẬP ĐOÀN HẢI PHÁT TỔ CHỨC CHUYẾN THAM QUAN DU LỊCH CHO CBNV NĂM 2024

Từ ngày 12/7 - 14/7/2024, Tập đoàn Hải Phát đã tổ chức thành công chương trình tham quan du lịch hè 2024 tại Cửa Lò - Nghệ An; tham dự chuyến du lịch có Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải, các thành viên trong Ban Lãnh đạo Tập đoàn cùng toàn thể cán bộ nhân viên trong hệ thống Hải Phát và gia đình. Đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện cho CBNV có thời gian nghỉ ngơi, giải trí sau những ngày làm việc căng thẳng nhân dịp hè 2024.

Xem thêm HẢI PHÁT INVEST CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM TỔNG GIÁM ĐỐC

Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Quản trị, ngày 06/05/2024, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm đối với ông Nguyễn Văn Phương giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty nhiệm kỳ 2024 - 2029.